Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2010

Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2010

Tôn giáo hay tín ngưỡng

Tôn giáo hay tín ngưỡng? (Số 1(43)/2007) Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo

1. L. Cadière, một linh mục sống ở Việt Nam từ năm 1892 đến năm 1955, mất ở Huế, nơi ông coi là quê hương thứ hai và là người sáng lập ra Tập san những người bạn Huế (BAVH), một người am hiểu tường tận đời sống tôn giáo Việt Nam, đã nhận thức rất đúng về tôn giáo độc thần và đa thần. Ông đã viết trong cuốn sách Croyances et pratiques religieuses des Vietnamièns như sau:

“Khốn thay, không có một biểu hiện nào trong ngôn ngữ Việt Nam chứng tỏ có thuyết biện thần Việt Nam (théodicée Vietnamienne). Không có một ý niệm nào chứng thực có một Đấng Tối cao (Être suprême), riêng biệt với thế giới, mà lại lưu giữ trong thâm tâm của họ…, không có một đấng siêu việt, vượt qua thế giới, không có một thần thánh nào mà người dân về phương diện tôn giáo lại có hình thức đứng cao trên họ. Đứng trên ý nghĩa đó mà tôi cho rằng người Việt Nam không biết Đức Chúa Lời”(1).

Đọc trong một buổi hội thảo dân tộc – tôn giáo học, với đề tài “Những điều thực hành cần cho một người truyền giáo khi quan sát hành động tôn giáo”, ông viết một đoạn rất đáng lưu ý, bị xoá đi khi in lại trong cuốn sách kể trên (1958 và 1992) vì bài đã đăng trong Tạp chí Anthropos năm 1913 nhưng để lại trong bài khác của cuốn sách mà tôi trích lại ở tập III trang 68 và 285:

“Với người bản địa, chúng ta là người xa lạ, người của một chủng tộc khác, một tôn giáo khác… Một số tác giả hay đúng hơn là vài nhà du lịch vội vàng hời hợt cho rằng người Viễn Đông không có tôn giáo. Tôi có ý kiến ngược lại. Người Viễn Đông, đặc biệt là người Việt Nam có tâm thức tôn giáo rất cao”.

"Thuật ngữ tôn giáo bao gồm nhiều mức độ, nhiều sắc thái. Nếu ta coi tôn giáo là niềm tin vào một Đấng Tuyệt đối, đầy lớn lao và hoàn hảo, là sự hợp nhất bằng tất cả tấm lòng của bản thân với Đấng Tối cao hiện diện ở khắp nơi, là sự hợp nhất bằng cả trái tim với Đức Chúa đầy lòng bác ái, ngự trị và nắm giữ tất cả; cuối cùng vì lòng biết ơn về sự hoàn thiện tột cùng của Người, thể hiện ra bằng sự thờ cúng một cách xứng đáng đối với Đấng Tối cao đó; thì ta phải nói người Việt Nam không có tôn giáo. Khái niệm về Đấng Tối cao tuột khỏi họ; họ sống không có Chúa (tôi nhấn mạnh - ĐNV).

Còn nếu ta quan niệm tôn giáo là niềm tin và thực hành ảnh hưởng đến cách ứng xử theo lẽ phải của cuộc đời và đến một thế giới siêu nhiên, thì ta thấy người Việt Nam có đức tính đó ở mức độ cao”.

Không phải không có lí trong những văn bản buổi đầu mang tính pháp lí của Hồ Chủ tịch, Người không dùng chữ Tôn giáo. Như trong Chương trình Việt Minh do Người biên soạn chính đã thể hiện rõ: “… 2. Ban bố các quyền tự do dân chủ cho nhân dân: tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức; tự do tín ngưỡng (tác giả nhấn mạnh - ĐNV)”. Trong bài thơ Mười chính sách của Việt Minh, Hồ Chí Minh viết: “… Hội hè, tín ngưỡng, báo chương. Họp hành đi lại có quyền tự do”.

Chỉ một ngày sau khi tuyên bố Độc lập, ngày 3 tháng 9 năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Người đã đề ra Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề tôn giáo, Người đặt hẳn "Vấn đề thứ sáu: Thực dân và phong kiến tiến hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và Lương để dễ thống trị. Tôi đề nghị chính phủ ta tuyên bố Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết". Tinh thần đó được ghi trong Hiến pháp năm 1946, trong Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, trong Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Sau ngày hoà bình lập lại (1954) Sắc lệnh về vấn đề tôn giáo ngày 14 tháng 6 năm 1955 của Chủ tịch nước lại vẫn ghi ở Điều 1 khẳng định: Chính phủ đảm bảo quyền Tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Từ đó về sau Người có dùng thuật ngữ tôn giáo nhằm chỉ những ai mượn danh nghĩa tôn giáo để phá hoại đoàn kết, ngăn trở tín đồ làm nghĩa vụ công dân, xâm phạm tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng của người khác.

Từ đó về sau, trong các văn bản mới thấy dùng thuật ngữ tín ngưỡng tôn giáo(2), có khi hai từ này để liền hoặc như gần đây để tách rời tín ngưỡng, tôn giáo. Trong cuốn sách đã được in lại lần thứ ba(3), tôi đã khẳng định ngay như ở Châu Âu cũng có phân biệt tín ngưỡng với hai nghĩa: Khi ta nói tín ngưỡng, người Châu Âu hiểu đó là niềm tin nói chung (bilief, bilieves (Anh), verôvanhie (Nga) hay croyance religieuse (Pháp)…). Có thể hiểu belief… là tín ngưỡng và cũng là tôn giáo, nên khi nói tự do tín ngưỡng thường được dịch ra tiếng Pháp liberté de la religion, tự do tôn giáo. Như vậy, tín ngưỡng bao gồm cả tín ngưỡng như một số tác giả Việt Nam bây giờ hiểu là mức thấp hơn tôn giáo và các tôn giáo. Có thể hiểu theo nghĩa hẹp là niềm tin tôn giáo (foi hay croyance religieuse), một yếu tố cơ bản, yếu tố quan trọng nhất của một tôn giáo. ở Châu Âu, khi tôn giáo độc thần ra đời(4), tiêu diệt các tôn giáo dân tộc, tộc người, trở thành tôn giáo độc tôn của Đế chế La Mã, sau là của Châu Âu, người ta mới phân biệt một cách chưa thật đúng đắn những niềm tin xuất phát từ các tôn giáo trước Kitô giáo ra đời ở Châu Âu là mê tín, là tà giáo, là dị giáo. Đến đầu thế kỉ XVIII với sự bành trướng của chủ nghĩa Tư bản, các nhà tôn giáo học phương Tây đắn đo như L. Cadière trước các tôn giáo lớn có tính khu vực (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo)(5) hay tôn giáo dân tộc như đạo Shinto, đạo Hindou, đạo Tổ tiên… mới phân biệt: 1. Các tôn giáo được tổ chức, lại thờ một Đấng Siêu việt (transcendant) như đạo Do Thái, đạo Kitô, đạo Islam được gọi dưới cái tên là religion. 2. Các tôn giáo còn lại được gọi là tôtem, là ma thuật, là saman giáo, là đạo thờ người đã khuất (cultes des ancêtres)… Có một thuật ngữ chung để chỉ các tôn giáo này là religion primitive hay cultes tức tôn giáo sơ khai hay nguyên thuỷ, hay tục thờ cúng. Không và không thấy có một thuật ngữ nào được gọi là tín ngưỡng để chỉ chung các tôn giáo ngoài Châu Âu này(6). Có chăng điều đó là ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa. ở Trung Quốc thuật ngữ được dùng trong Từ nguyên cách đây 40 năm có hai nghĩa: một là niềm tin nói chung, hai là niềm tin tôn giáo. Trong lần xuất bản gần đây, thuật ngữ tín ngưỡng chỉ dành riêng để chỉ niềm tin tôn giáo. Từ đó, ngoài các tôn giáo đã phổ biến, trong tự điển ta thấy các thuật ngữ như tín ngưỡng dân gian, văn nghệ dân gian nhằm chỉ những cái gì thuộc quần chúng, mà ở phương Tây được gọi là folklore, hay tín ngưỡng bình dân, đại chúng hay dân tộc đều được gọi là croyance populaire. Nếu ở Việt Nam, ta thường dùng chữ đạo như ở Trung Hoa để chỉ các tôn giáo hay để nhằm chỉ một nguyên lí sống, một con đường phải theo dù thuộc thế giới vô hình hay hữu hình như: đạo Công giáo, đạo Tin Lành, đạo Nho, đạo thầy trò, đạo đối với người đã khuất, thậm chí đạo vợ chồng, v.v…, thì ta còn một thuật ngữ là thờ hay thờ cúng nghiêng về thực hành nhằm chỉ thái độ đối với người đã khuất, với các siêu nhiên không ngoại trừ đối với những người hay vật được mình coi là biểu tượng, là gương mẫu để noi theo như: thờ thày dạy, thờ cha mẹ, thờ một vĩ nhân, anh hùng dựng nước, thần, thánh, ma, quỷ, v.v… Nên ở Việt Nam vắng khái niệm độc thần, Đấng Siêu việt là vì lẽ đó.

2. Đó là một thực tế mà ở Châu Âu là tôn giáo độc thần, tôn thờ một Đấng Tối cao, một Đấng Siêu việt, mà con người không bao giờ sánh bằng và chỉ còn một nhiệm vụ là suy tôn vị thần đó, vị thần độc nhất để thờ. Ngay như Đức Mẹ Maria, là người trần nhờ mang thai sinh ra “Chúa Con” cũng chỉ được tôn kính (vénérer) không được thờ. Đấng Siêu việt không có thực là Đấng Sáng thế. Các Đấng Sáng thế là không có thực. Đó là các vị như Đức Chúa Cha, như Thánh Allah và Iahvé hay Jehovah của đạo Do Thái, đều không có tiểu sử, thậm chí các vị sứ giả hay hoá thân của các vị trên thì tiểu sử cũng mang nửa huyền thoại, nửa thực tế, rõ ràng nhất là Đức Jesus như quyển: Những hồ sơ bí mật viết về hậu duệ của Christ, Tấm vải liệm ở TurinChiếc áo lễ ở Argenteuil đều chưa được khoa học xác minh(7). Đã là người trần dù là tín đồ trung thành hay các chức sắc chỉ biết vâng lời người đại diện của Chúa giống như bầy chiên ngoan ngoãn theo con chiên đầu đàn hay chỉ biết phục tùng và phục tùng như trong Kinh Koran đã nhắc nhở các tín đồ nhiều lần câu: “Nhân danh Allah, Đấng rất mực độ lượng, rất mực khoan dung”, “Allah! Không có Thượng Đế nào khác, chỉ mình Ngài là Thượng Đế, Đấng Hằng sống, Đấng Tự hữu và Đấng Nuôi dưỡng vạn vật”(8).

Vì đức tin và chỉ tin vào một Đấng Tối cao duy nhất, cho dù cách tin có khác nhau, với các nghi lễ khác nhau, ta thấy trong lịch sử Cổ Trung đại ở Châu Âu luôn xảy ra các cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo với danh nghĩa là bảo vệ quyền “ích kỉ” của vị độc thần, luôn được tiếng là khoan dung, độ lượng, thương yêu, vị tha. Tất cả những kẻ khác đều bị coi là dị giáo, là tà giáo, là mê tín cần xoá bỏ. Những mê tín, dị giáo đều có tên cụ thể, rõ ràng, đâu được gọi bằng tên chung là tín ngưỡng (croyances hay croyances religieuses). Từ cuối thời kì Cận đại cho đến hiện nay, chiến tranh tôn giáo vẫn tiếp diễn khi ẩn khi hiện. Trong đạo Kitô, xem ra có vẻ yên ả, không thấy có những xung đột giữa ba phái lớn: Công giáo, Chính Thống giáo và đạo Tin Lành, có chăng nay còn âm ỉ ở Bắc Ai Len. Trong đạo Islam, sau khi sứ giả của Thánh Allah viên tịch, xảy ra những xung đột giữa hai phái, một là theo con ruột của Mohammed, hai là theo con rể của Người. Đó là sự xung đột giữa giáo phái Sunnit và Shiit trong lịch sử, một khi được kích động lại đâm chém nhau như trường hợp cuộc chiến tranh giữa hai nước Iran và Irắc…

Sự xung đột giữa một bên là đạo Kitô, một bên là đạo Islam vẫn là nỗi lo sợ ám ảnh vì tình trạng êm dịu hay căng thẳng lại phụ thuộc vào phái cầm đầu chính quyền vì quyền lợi vật chất (dầu lửa, đá quý,…) hơn là vì Chúa hay vì Thánh. Bên này chê bên kia là khủng bố dân thường, bên kia chê bên này là viện cớ để chiếm Apganistan và Irắc của những kẻ buôn súng. Mâu thuẫn khó rũ bỏ giữa người Do Thái với các nước ảrập cũng còn sâu nặng. Nên có người lo thế kỉ XXI là thế kỉ của tôn giáo.

3. Tôn giáo phản ánh thực tiễn lịch sử nên cần nhận thức rõ ràng là nó bị người đời lợi dụng. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã muốn Giáo hội lấy việc tự kiểm làm công tác hàng đầu trong việc chuẩn bị năm Thánh 2000 vì trong quá khứ Giáo hội đã gây ra nhiều sai phạm. Có những lầm lỗi của cá nhân các tín hữu, các tu sĩ, các linh mục, các giám mục, có những lầm lỗi của tập thể cả Giáo hội, của từng giáo phận, của mỗi giáo xứ. Có những lỗi lầm chống lại ơn Chúa, cản trở chương trình của Chúa. Có những lỗi lầm vô tình biến ta thành vật cản ơn Thánh để lỡ cơ hội đón nhận ơn Chúa cho bản thân ta và cho mọi người. Công việc đó chứng tỏ rằng về phía Công giáo đã muốn “với con người mới, ta hân hoan bước vào cuộc sống mới, cuộc sống không ngừng đổi mới với ơn Thánh, với tình bác ái huynh đệ, với lòng khiêm tốn, với tinh thần dấn thân phục vụ”(9).

Gần đây Vatican đã có thiện chí muốn liên kết với các tôn giáo trước hết là với Chính Thống giáo và đạo Tin Lành. Cũng trong một cuốn sách, Đức Giáo hoàng đã phát biểu có thiện chí với đạo Khổng, đạo Tổ tiên, tất nhiên do quan niệm Phật giáo không phải là một tôn giáo nên đã có lời nói không đúng với một tôn giáo đã có đến 300 triệu tín đồ(10).

Khối cạnh tranh với Kitô giáo là đạo Islam trên mình mẩy đương vấy máu, đương chia rẽ, chưa thống nhất. Có phái cực đoan, có phái ôn hoà. Nói chung, thế lực còn chưa mạnh so với đối thủ luôn ở thế trên. Do vậy, xét cho cùng, việc nổi dậy của phái cực đoan cũng gây ra sự lo sợ cho các nước phương Tây và gây căng thẳng với các nước có Islam giáo sống chung với các tôn giáo khác. Trong một cuốn sách của mình, chúng tôi đã dự đoán, chiến tranh toàn diện giữa hai thế lực tôn giáo trên sẽ không xảy ra. Nhưng nếu nhân danh “chống khủng bố” để nhằm mục đích khác, hay đúng ra lại nhằm mục đích “khủng bố" cả một nước như Apganistan, như Irắc hay đặt nước này, nước nọ vào diện phải cấm vận, phải trừng phạt nếu không tuân thủ cái gậy chỉ huy của các nước siêu cường hiện nay. Đó là như đối với các nước Iran, CHDCND Triều Tiên (thậm chí cả Việt Nam, Trung Quốc,…), thời nạn khủng bố hay chiến tranh cục bộ lại càng gia tăng và thế giới đang phải gánh chịu(11). Điều đó biết đâu là vật cản ơn Thánh để xây dựng một Dân Chúa trên Thiên Đường, biết đâu lại làm giảm sự độ lượng, sự khoan dung của Đấng Sáng thế, cũng như làm chậm việc xây dựng cõi Niết Bàn của Phật giáo, hay thế giới đại đồng như Khổng Tử mong muốn và sự giàu mạnh, dân chủ, công bằng như của toàn dân Việt Nam theo đường hướng xây dựng một thế giới cộng sản ngay trên trái đất này.

Những người sáng lập ra các tôn giáo độc thần cũng như đa thần, đã được A. Einsten coi là những người vĩ đại đã vượt qua các thời đại. Nếu như những vị sáng lập ra các tôn giáo độc thần, theo tinh thần duy lí, muốn loại trừ các tôn giáo khác mình, coi tất cả là dị giáo, là không đi theo con đường của Chúa, thì ở miền Viễn Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng, không có các tôn giáo theo định nghĩa của Châu Âu nhằm chỉ các tôn giáo nguồn gốc phát sinh từ Trung Cận Đông. ở đây, các “tôn giáo” chỉ được gọi là đạo, là nguyên lí làm người, được chỉ dẫn bởi một con người trần tục vĩ đại mà mình noi theo(12), vì biết ơn mà ta đã tôn thờ như một vị thánh hiền. Nên khác với các tôn giáo ở phương Tây, tuy ở Việt Nam các tôn giáo vẫn lí giải những mỗi quan hệ giữa cái vô hình và cái hữu hình(13), hay giữa cái thiêng và cái tục(14) để tôn những người sáng lập ra đạo và những đệ tử của họ, những người bằng xương, bằng thịt, thành những vị thánh, như các vị thánh thần trong các đạo Nho, đạo Phật, Đạo giáo, cũng như các vị có công với đất nước, với làng, với dòng họ, đạo tổ tiên và các thần khác để tôn thờ. ở các tôn giáo này, ta chỉ thấy tồn tại chủ yếu các nhiên thần, được nhân cách hoá, các nhân thần có công với nước, với làng, với nhà, những người chết vào giờ thiêng hay những người bất hạnh không được xã hội cổ truyền công nhận, thường được gọi là những người chết bất đắc kì tử: bà cô, ông mãnh, người chết đường chết chợ, chết đuối, chết có thương tích, v.v… Vì đối tượng thờ, mỗi vị giữ một chức năng, vì có bệnh thì vái tứ phương, vì có kiêng, có lành, nên dễ sinh ra mê tín, dễ bám vào các hủ tục. Mặt khác, mỗi cá nhân có thể thờ một hay nhiều vị thần, nên phải nói ở đây có sự tôn trọng niềm tin tôn giáo của nhau. Có giáo dục, có phê phán, có cạnh tranh nhưng không hề có sự cấm đoán.

Ông Trời mà đạo Kitô đồng nhất với Thiên Chúa, đồng nhất với Đức Chúa Lời (A. de Rhodes) cũng rất thân thương với người Việt Nam, tuy cũng được kính trọng và sợ hãi, vì mắt Trời thấu suốt, sống chết tại Trời, giàu sang cũng tại Trời. Trời định đoạt số phận con người, nhưng ông Trời cũng chỉ là “cháu” gọi con cóc - một nhân vật trong chuyện cổ tích chuyên gọi mưa - là cậu hay có khi là vợ như trong chuyện cổ tích của người Xơ Đăng, người Choang, trong đó có bộ phận Tày, Nùng(15)… Người ta kính trọng nhưng khi nguyện vọng không được đáp ứng, thì cũng coi Trời bằng không. Trời theo chữ Nôm ( ) tức là cái gì ở trên chúng ta, nó hoàn toàn mang ý nghĩa vật chất, thông thường đối lập với đất – cái ở dưới chúng ta. Nên trời nghĩa đen chỉ là bầu trời bao phủ một lãnh thổ nhất định, sau con người trồng trọt mới suy tôn dần trở thành một biểu tượng để thờ cúng, thành Ông Trời, nhân cách hoá Trời thành một vị thần sản sinh ra sấm, sét, mưa, nắng, lũ lụt, hạn hán, quan hệ trực tiếp đến nghề nông, từ đó là nắm giữ số mệnh con người.

Trời chỉ đối lập với đất, một cặp đôi âm dương cần cho người dân trồng lúa, tượng trưng cho sự phong đăng, phồn thực. Vả lại ý niệm về trời - đất có khi còn phản ánh sự đối lập giữa mặt trăng, mặt trời. Biết đâu trong thời kì cổ xưa khi vị trí người đàn bà còn quan trọng trong xã hội, khi chế độ mẫu hệ còn thắng thế, người ta lại không gọi “ông Trời" mà lại gọi là “bà Trời”, như câu:

Ông Trăng mà lấy mụ Trời

Tháng năm ăn cưới, tháng mười nộp cheo.

Do vậy, ở Việt Nam không có khái niệm Đấng Siêu việt, Đấng Tối cao trước khi tiếp xúc với phương Tây. Nên người Việt Nam mới trọng ngày giỗ, vì tưởng niệm những người đã khuất do có công duy trì nòi giống và lao động sản xuất. Điều đó khác với người phương Tây, trọng ngày sinh vì con người là sản phẩm của Chúa sáng tạo ra (chú ý, hiện nay ở Việt Nam cũng trọng cả ngày Sinh nhật như phương Tây, nhưng không hiểu rõ ý nghĩa của nó).

Có người phân biệt tín ngưỡng là một tôn giáo không có tổ chức, lại gán cho đó là ý của C. Mác, Ph. Ăngghen là không đúng. Có chăng là ý kiến của G. V. Plêkhanov(16), người đầu tiên đã truyền bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga. Ông chỉ coi tổ chức là một phương tiện truyền bá tôn giáo chứ không hiểu tổ chức nằm trong bản chất của tôn giáo. ý kiến đó xuất phát từ khái niệm đồng nhất nhân loại với thế giới do Chúa tạo ra. Chúa, Đấng sáng tạo ra loài người, hoá thân vào Đức Kitô còn là sứ giả truyền bá đạo cho người trần gian và nêu gương hi sinh cho nhân loại theo, chết trên Thánh giá. Còn người đại diện coi sóc trần gian là Chúa thánh thần, là Đức Giáo hoàng – Người nắm ý Chúa khuyên bảo loài người. Nên đạo do J. Christ sáng lập đã tổ chức ra một nhà nước, một Thiên Chúa hay một Dân Chúa. Đức Giáo hoàng là người “vô ngộ”, nói không sai. Tổ chức Giáo hội có một hệ thống từ trên đến tận các đơn vị cơ sở, các làng xã, một hệ thống “quan chức”, một tài sản kếch xù…, buộc mọi tín đồ phải theo. Đó là nguyên nhân một bộ phận không chấp nhận và tách ra thành đạo Tin Lành, một hình thức tôn giáo phù hợp với chủ nghĩa tư bản.

Bất kì tôn giáo nào cũng có tổ chức rất đa dạng. Nếu Công giáo có tổ chức chặt chẽ, con trẻ sinh ra đã là con của Chúa, thì đạo Tin Lành lại có tổ chức chặt chẽ ở cơ sở, chia ra nhiều giáo phái, năng động ứng đáp được với các tình thế xã hội khác nhau. Đạo Tin Lành cũng lại cho phép hiểu giáo lí của Chúa theo những cách khác nhau. Đạo Phật vì không có tổ chức giáo hội trên toàn thế giới nên Đức Giáo hoàng không coi là một tôn giáo, thực chất chỉ là các cơ sở sơn môn, các tăng. Hội Phật giáo toàn thế giới nhiều năm mới họp một lần không bao quát được các tổ chức Phật giáo khác nhau, có tính chất như một mặt trận. Đạo Khổng có tổ chức đan lẫn vào hệ thống chính trị xã hội, nên khi tổ chức đó không còn thì đạo vẫn còn tồn tại chỉ với những lí luận rất cụ thể thích hợp với tâm lí con người phương Đông. Đạo Tổ tiên nếu không có tổ chức thì làm sao trong một nước lại tuân thủ các nghi lễ khá chặt chẽ, mang tính quần chúng và J. Delumeau đã phải ca ngợi là một tôn giáo không sức mạnh gì xoá bỏ nổi(17).

Tất cả những tôn giáo trên đều tuân thủ chặt chẽ một định nghĩa tối thiểu của tôn giáo theo quan niệm của E. Tylor: “Tốt hơn là có lẽ nên đặt niềm tin vào các thực thể tinh thần (spiritucls) như một định nghĩa tối thiểu (minimum) về tôn giáo”(18). Còn các tác giả khác cuối thế kỉ XIX, đầu XX đều chấp nhận, mô phỏng thành khái niệm cặp đôi, vô hình và hữu hình, tự nhiên hay siêu nhiên. Đến năm 1912, định nghĩa đó lại được co hẹp thêm vì đâu phải có cái hữu hình thì có cái vô hình, có cái tự nhiên thì phải đi theo là cái siêu nhiên. E. Durkheim đã nói rất đúng cặp đôi đó: “Cái thiêng và cái tục là đối tượng của tôn giáo”(19). ý kiến đó được quán triệt cho đến hiện nay với những bổ sung cái thiêng là gì, khi nào xuất hiện cái thiêng và v.v… ý nghĩa cơ bản về định nghĩa tôn giáo không thay đổi.

Vậy lẽ nào những tôn giáo như đạo Phật mà Giáo hoàng Phaolô II đã một lần phủ nhận, như đạo Tổ tiên với những nghi lễ, những quan niệm thống nhất từ người bình dân đến các trí thức lại bị hạ xuống là tín ngưỡng - một thứ tôn giáo hạng hai (!) như một số người quan niệm.

Cần chú ý đạo Tổ tiên hay đúng hơn là đạo tôn thờ những người đã khuất (cultes des ancétres) với những nhiên thần, nhân thần, những vong linh người đã khuất không phải và càng không thể là tôn giáo nguyên thuỷ mà là tôn giáo dân tộc với các vị thần, các nghi lễ dân tộc. Xin lưu ý ý kiến của Ph. Ăngghen khi nói đến tôn giáo dân tộc: “Những vị thần được tạo ra… ở mỗi dân tộc là vị thần dân tộc; lĩnh vực chi phối của các vị thần đó không vượt quá biên giới của lãnh thổ dân tộc mà vị thần ấy phải bảo vệ, và ngoài biên giới ấy thì do các vị thần khác tiến hành một sự thống trị không ai giành được. Tất cả các vị thần ấy chỉ có thể tiếp tục tồn tại trong trí tưởng tượng chừng nào dân tộc tạo ra các vị thần đó còn tồn tại; khi dân tộc đó tiêu vong thì các vị thần ấy cũng sẽ tiêu vong theo”(20).

Vậy đạo Tổ tiên chỉ mất đi khi Tổ quốc Việt Nam không còn tồn tại. Bởi vậy, ta mới hiểu hiện nay làm sao trên thế giới ở Châu Âu có một xu hướng muốn tìm lại những vị thần dân tộc hay đúng hơn là muốn phục hồi các tôn giáo dân tộc sau hơn 1.500 năm bị Kitô hoá. Bởi vậy ta mới hiểu các tôn giáo nội sinh hay ngoại lai, muốn tồn tại phải lần lượt công nhận thờ cúng hay tôn kính tổ tiên. Công giáo đã chính thức công nhận không coi tôn kính tổ tiên là mê tín là nhảm nhí; đạo Tin Lành nếu không đổi thái độ chắc cũng không giữ được lòng tin của tín đồ theo đạo này.

4. ở người Việt Nam, thờ cúng Tổ tiên là một tôn giáo cơ bản. Cũng chính L. Cadière đã thấy điều đó theo nghĩa hẹp của nó. Ông viết: “Gia đình theo nghĩa rộng không chỉ bao gồm những người đương sống mà còn bao hàm cả những người đã khuất. Đó là điều quan trọng nhất mà họ tin tưởng. Người Việt Nam cho dù là người nông dân nghèo khổ nhất cho đến người culi hèn kém nhất đều nghĩ như vậy. Họ đều coi những bậc tổ tiên của họ như những người sống ở trên thế gian tức thế giới bên kia. Và cũng như vậy, họ có ý thức đến một ngày nào đó, họ cũng được con cháu cho họ cái quyền siêu nhiên đó. Gia đình như một đền thờ lớn. Những thành viên còn sống đương ở ngoài ngưỡng cửa ngôi nhà. Rồi người nọ tiếp người kia lần lượt bước qua ngưỡng cửa đáng sợ đó, qua cánh cửa của cái chết, để trèo lên ngồi trên chính điện. Nhưng người nọ cũng như người kia vẫn ở chung dưới một nóc nhà. Mọi ràng buộc đã cố kết với nhau trong suốt cuộc đời, không bị tách ra bằng cái chết, ngược lại mối ràng buộc đó nhờ tôn giáo của họ mà trở nên chặt chẽ hơn. Nó trở nên bất diệt nhờ đạo Tổ tiên. Phải công nhận rằng gia đình đã mang tính cách đầy cao thượng, một uy thế đầy ấn tượng” (Quyển I, tr. 35-36).

Gia đình được mở rộng ra dòng họ, từ đấy ra xã hội. Người Việt Nam có khả năng nối liền nhà qua làng tới nước. Những thuật ngữ xưng hô cũng được mở rộng từ gia đình ra toàn xã hội(21). Nên trong tôn giáo theo quy luật của nó, một người bình thường như tôi với anh, chí ít được con cháu thờ. Nếu có công với làng thì được làng thờ, những tiền hiền, những hậu hiền, những thành hoàng (nhất là từ khi Nhà nước có sắc phong tức khẳng định thì nước đã chi phối được làng). Nếu là những danh nhân, những tổ sư các nghề được nhiều làng thờ, những anh hùng có công với nước được nước thờ. Truyền thống đó tồn tại cho đến ngày nay với việc phong thần cho các vị anh hùng có công với nước, không phân biệt người đó là ai, Nguyễn Trung Trực (anh hùng yêu nước chống Pháp), Nguyễn An Ninh (người cộng sản), Võ Thị Sáu (anh hùng chống Pháp), Nguyễn Thị Định (nữ tướng cộng sản), 10 chị em thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc (anh hùng chống Mỹ), đặc biệt ông Phan Thế Phượng, Giám đốc Thuỷ sản Thừa Thiên Huế, là một đảng viên cộng sản đã được 120 làng chài thờ làm phúc thần, v.v… Các vị theo đạo Phật đắc đạo cũng được thờ. Theo Đạo giáo tuy có thờ thiên thần, nhưng việc thờ Bà Liễu Hạnh muốn thêm thiêng cũng phải nhân thần hoá bằng việc cho rằng Bà có công với nước vì là tác giả của câu sấm truyền: “Ngược đời 2 bẩy 13, một cơn gió thoảng tám gà chết toi”(22).

ở đây ta bắt gặp ý kiến của Hồ Chí Minh, Người rất am hiểu tôn giáo Việt Nam và lại có điều kiện bôn ba giữa những tầng lớp “dưới đáy” của xã hội Mỹ, Anh nhất là ở Pháp. Trong một cuộc trao đổi với nhà thơ Ôxíp Mandenxtam viết trên báo Ogonhiok (Ngọn lửa nhỏ) số 39 ngày 23-12-1923, ông đưa ra một nhận xét: “Người An Nam (tức Việt Nam - ĐNV) không có linh mục, không có tôn giáo(23) theo cách nghĩ của người Châu Âu. Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội. Chúng tôi không có người tư tế nào. Những người già trong gia đình hay các già làng là người thực hiện những nghi lễ tưởng niệm (ở Việt Nam không thấy có sự tách biệt giữa thờ cúng và tưởng niệm vì tưởng niệm vẫn có đồ cúng đi kèm). Chúng tôi không biết đến uy tín của người thầy cúng, người linh mục là gì” (Toàn tập, tập I, tr. 478-479).

Người học trò trung thành của Người, Phạm Văn Đồng, năm 1994 đã nói rõ ý Người trong tác phẩm Văn hoá và Đổi mới: “Từ xa xưa, dân tộc Việt Nam không có tôn giáo theo nghĩa thông thường của nhiều nước khác. Còn nói tôn giáo là thờ cúng thì mỗi người đều thờ cúng ông bà, mỗi họ đều thờ cúng tổ tiên, làng thì thờ Thành hoàng và các bậc anh hùng cứu nước, các tổ phụ ngành nghề, các danh nhân văn hoá. Từ góc độ văn hoá tôi thấy đây là một đặc trưng đáng trọng của con người Việt Nam, ở chỗ nó là sự tưởng nhớ những người có công trong việc tạo lập cuộc sống ngày nay của mọi gia đình, làng xóm” (tr. 75). Tác giả bài viết này xin nói thêm: Cả nước còn thờ Vua Hùng như Hồ Chí Minh đã nói: “các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Các tôn giáo ngoại sinh khi vào Việt Nam đã bổ sung thêm cho hệ thống tôn giáo dân tộc, dựa vào hệ thống tôn giáo dân tộc mà tồn tại theo hướng hoà nhi bất đồng với mục đích là yêu nước, yêu dân tộc. Do vậy, ta có thể nói, nếu vào thời Trung đại ở Châu Âu, lịch sử của Châu Âu là lịch sử của những cuộc chiến tranh tôn giáo, thì ở Việt Nam, trước khi có mặt của người Châu Âu, không có chiến tranh tôn giáo. Đó là một truyền thống quý báu của người Việt Nam. Chỉ đến khi đạo Kitô sang, vấn đề mới đổi khác. Ban đầu với sự khoan dung, với lòng tôn trọng những tín ngưỡng khác, không chỉ người dân mà cả các thành viên trong hoàng gia cũng theo đạo Kitô. Đến thế kỉ XIX, khi người ta thấy xuất hiện cây Thánh giá bên cạnh lưỡi gươm, thì sự xung đột tôn giáo mới xảy ra.

ý niệm độc thần đi đôi với đạo quân xâm lược làm cho người ta phải bài xích tôn giáo ngoại lai:

Thà đui mà giữ đạo nhà

Còn hơn sáng mắt lại theo đạo người.

(Nguyễn Đình Chiểu)(24)

Rồi với sự ưu ái Công giáo của thực dân Pháp và sự ưu ái của đế quốc Mỹ với đạo Tin Lành đã dẫn đến kết quả ngược lại. Để ngăn chặn âm mưu kể trên đã bùng nổ sự chấn hưng Phật giáo (thập kỉ 30 của thế kỉ XX), ra đời hai tôn giáo bản địa: Đạo Cao Đài và đạo Hoà Hảo, và cuộc biểu tình dẫn đến sự lật đổ chế độ Diệm – Nhu vào năm 1963 của tín đồ Phật giáo và đạo Ông Bà. Chú ý ở trong Nam, khó có sự tách biệt giữa hai đạo này. Trong nhà người dân thờ các bậc tổ tiên và thờ cả Đức Phật hoặc Quan Âm.

Chiến tranh giải phóng dân tộc, mỗi tôn giáo chia làm ba bộ phận. Một số theo Chính phủ Cụ Hồ, một số ngả nghiêng, đa số những người lãnh đạo các tổ chức tôn giáo trong vùng tạm chiếm lập đảng, tổ chức quân sự chống lại kháng chiến. Người Mỹ nâng đỡ phát triển đạo Tin Lành, dùng đạo kích động người Thượng lập đội quân Fulro đánh phá cách mạng. Đạo Vàng Chứ, đạo Thìn Hùng ở người Hmông, Dao, ở Tây Nguyên phát triển đạo Tin Lành Dega với mong muốn lập các nước riêng như nước Dega, nước Hmông nhằm thực hiện chủ trương li khai dân tộc, nhân quyền hơn chủ quyền(25), Chúa là duy nhất, là hơn hết.

5. Trước xu thế phát triển của đời sống tôn giáo hiện nay, nhất là sự xuất hiện như một phong trào hiện tượng tôn giáo mới, bắt đầu từ thập kỉ 70 của thế kỉ XX, ta thấy xuất hiện những tôn giáo do người trần mắt thịt sáng lập, vấn đề độc thần được đặt ra. A. Malraux trong cuốn Sortie des religion, retour du religieux đã đưa ra một nhận xét đáng suy nghĩ: “Vấn đề then chốt ở cuối thế kỉ này (thế kỉ XX - ĐNV) sẽ là vấn đề tôn giáo được diễn ra dưới một dạng thức khác với sự hiểu biết của chúng ta, cũng như đạo Kitô đã làm với những tôn giáo cổ đại. Nhưng nó sẽ không còn là vấn đề Đấng Tối cao”(26). Diễn biến của các hiện tượng tôn giáo mới còn phức tạp, như ở Việt Nam từ năm 1990 mới có 10 hiện tượng, đến nay con số đã lên trên 50, đa số là những chi nhánh của đạo Tin Lành mà ngay đến những tổ chức Tin Lành chân chính cũng không chấp nhận được. Những hiện tượng tôn giáo mới phản ánh tính thời đại, rõ ràng là xấu hơn tốt, bị các thế lực chính trị lợi dụng, phản ứng với trật tự xã hội bất công hiện hành, nhưng chưa có lối thoát.

Vấn đề hiện tượng tôn giáo mới chỉ nêu ra một điều là xu thế tôn giáo trong xã hội hiện đại ngày nay càng đa dạng. Không còn là vấn đề Đấng Tối cao, vấn đề tổ chức trong tôn giáo, mà là vấn đề tự do cá nhân, thậm chí cực đoan, vấn đề dân chủ. Nên nó dường như là mối lo ngại của loài người nói chung như giáo phái Aum (Nhật Bản) muốn tiêu diệt nhân loại, giáo phái Pháp Luân công (Trung Quốc), một hình thức tôn giáo bắt nguồn từ những hành vi thế tục, tôn giáo bóng đá nhằm chỉ sự hăng say, cuồng tín không suy nghĩ với đội bóng đá bản thân ngưỡng mộ, hoặc sự ngưỡng mộ không tưởng đối với một minh tinh màn bạc, v.v… Vấn đề này xin để một dịp khác sẽ bàn đến. Chỉ lưu ý một điều là giới khoa học đều gọi những sự kiện tôn giáo mới nảy sinh là phong trào hay hiện tượng tôn giáo mới, chứ không gọi là tín ngưỡng hay niềm tin tôn giáo. Vấn đề tín ngưỡng hay tôn giáo còn cần được thảo luận dài dài. Nay điều đáng lưu ý là làm sao cho đời sống tôn giáo được lành mạnh, không bị các thế lực chính trị lợi dụng với ý đồ xấu. Đúng như Nghị quyết của Đảng đã nêu: Tôn giáo là một nhu cầu lâu dài cùng tồn tại với chủ nghĩa xã hội. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với xã hội mới. Vậy cần đoàn kết toàn dân trên cơ sở tôn trọng Đức Chúa của nhau, đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo. Lên án những kẻ lợi dụng tôn giáo vào những mưu đồ chống phá cách mạng, chống phá Tổ quốc./.

Đặng Nghiêm Vạn(*)


*. GS. Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

1. L. Cadière. Sđd, tập III. Nxb EFEO, Paris, 1992 (in lần thứ hai), tr. 43. Lần in thứ nhất in sau khi tác giả mất năm 1958.

2. Chỉ thị về công tác tôn giáo trong tình hình mới của Bộ Chính trị 1998.

3. Đặng Nghiêm Vạn. Lí luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo hiện nay. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2001 (tái bản 2003, 2005 (có bổ sung)).

4. Đạo Kitô chính thức ra đời với Công đồng Nicêe (325) trở thành tôn giáo chính thức của Đế chế La Mã. Các tôn giáo cổ xưa, đa thần ở Hi Lạp, ở Ai Cập… bị huỷ bỏ. Xem: L. Cadière. Sđd, tập III, 1992.

5. Đến gần đây ta vẫn thấy người ta gọi tất cả cái gì ảnh hưởng của Nho giáo là religion chinoise, hay người ta không đếm xỉa đến những tôn giáo của các thổ dân Châu Mỹ, Châu úc… và đã bị Kitô hoá, đặc biệt là Tin Lành hoá.

6. Vì thế, L. Cadière khi viết về tôn giáo, ông dùng thuật ngữ croyances et pratiques religieuses: tín ngưỡng và thực hành tôn giáo.

7. I. Bourdial và P. Deschampes. Hồ sơ Jesus. Tia Sáng số 18 ngày 20/8/2006 theo bản dịch của CC dựa theo nguyên tác đăng trong Science et avenir, tháng 5-2006, tr. 32-35.

8. Kinh Koran. Theo bản dịch của Hassan Abdul Karim, 1997.

9. Hương Khê. Tự kiểm và sám hối. Công giáo và Dân tộc, số 59, tháng 11-1989, tr. 16-17.

10. Phaolô II. Bước qua ngưỡng cửa hi vọng. Paris 1994, tr. 109. Bản dịch Trần Thái Định.

11. Đặng Nghiêm Vạn. Lí luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005 (bản in lần thứ 3).

12. Đặng Nghiêm Vạn. Sđd, 2005.

13. Theo E. Tylor.

14. Theo E. Dukheim.

15. ở nhiều tộc người không có khái niệm trời theo ý nghĩa tôn giáo. Vị thần cao nhất là sét, sét được coi như người giữ phong tục, bắt người có tội phải chết, đặc biệt bắt người loạn luân trần truồng ăn vào máng lợn rồi đuổi ra khỏi làng. Thần Sét là đáng sợ nhất. Khi mưa to gió lớn cả làng chui vào chuồng lợn để tránh sét đánh. Mối quan hệ giữa sét và lợn chưa rõ vì sao, vì tộc người chưa bao giờ biết đến Islam giáo cũng có tục lệ trên như người Khơ Mú, Kháng, Xin Mun, v.v…

16. G. V. Plêkhanov. Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác. Matxcơva 1959 (bản tiếng Nga).

17. J. Delumeau. Le fait religieux. Fayard, Paris 1993.

18. E. Tylor. Văn hoá nguyên thuỷ. Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, Hà Nội 2001, tr. 505. Bản dịch tiếng Việt.

19. E. Durkheim. Les formes elémentaines de la vie religieuse. PUP, Paris 1968.

20. C. Mác - Ph. Ăngghen. Toàn tập. Tập 21, tr. 445-446 (bản tiếng Việt).

21. Các thuật ngữ xưng hô trong xã hội tuỳ theo tuổi tác, địa vị xã hội mà trùng lặp với thuật ngữ xưng hô trong gia đình. Đó là điều khó bỏ tuy rằng ai cũng biết tai hại của nó, biến quan hệ thủ trưởng - nhân viên thành chú - cháu, bác - cháu, thậm chí cha - con rất khó tạo nên sự bình đẳng, rất dễ đi đến chỗ biến cơ quan thành một gia đình nhỏ phụ quyền (cơ quan là gia đình ta cả).

22. Đó là năm nhuận 13 tháng vào tháng bảy Âm lịch, tám gà là bát kê (P. Pasquier toàn quyền Pháp chết tai nạn máy bay), ý là bà đoán đúng ngày P. Pasquier bị tai nạn.

23. Nếu hỏi người Việt Nam theo tôn giáo nào, đối tượng hỏi khó trả lời nên Viện Nghiên cứu Tôn giáo mới có ý kiến đưa ra 3 câu hỏi theo những thuật ngữ quen thuộc mà tác giả giao cho ThS. Nguyễn Kim Hiền thực hiện: Ông (bà) theo tôn giáo nào? ở Vĩnh Phúc: 76,9% người được hỏi trả lời không, 3,7% không trả lời, 14,9% trả lời là Lương (chú ý Lương – Giáo), 2,4% là Phật giáo; trong khi ở Bến Tre: 61% trả lời là không, 2,3% trả lời là Lương, 25,5% trả lời là Phật giáo (chú ý người hỏi không giải thích).

Nếu ở bộ phận Công giáo trong 3 câu hỏi: 1. Ông (bà) theo đạo nào? (tránh thuật ngữ tôn giáo); 2. Ông (bà) thờ vị nào?; 3. Ông (bà) tin ở vị nào nhất? Thì ta thấy được câu trả lời xấp xỉ ngang nhau: theo đạo Kitô: 99,1%; thờ Chúa: 99%; tin vào Chúa: 97,4%, còn 1,3% nghi ngờ. Thuật ngữ tôn giáo còn xa lạ với đồng bào, chỉ đến năm 1930 mới thấy ở tự điển.

24. Ông bị mù, là tác giả cuốn Lục Vân Tiên nổi tiếng.

25. Báo Tia Sáng có đăng bài Độc lập – một khái niệm hẹp, số 18, ngày 20-9-2006 của Nguyễn Quang A. Các nước từ xưa vẫn phải nương tựa vào nhau chứ đâu phải bây giờ mới là quan trọng, là phổ quát. Trong thời kì đầu của toàn cầu hoá, không nên ngây thơ coi nhẹ Độc lập trong lúc các siêu cường quốc còn làm mưa, làm gió. Có cái nhìn ai mạnh kẻ đó thắng như trong cuốn Thế giới phẳng của T. L. Friedman là chỉ khi thế giới phẳng thật chứ như bây giờ làm gì có công bằng, chỉ nên như H. Gierch coi: “Toàn cầu hoá hiện nay… chỉ là một sự mở rộng không gian của kinh tế tư bản đến tận cùng thế giới”.

26. A. Malraux. Sortie des riligion, retour du religieux. Paris 1993, tr. 15.

Nguồn: http://www.vae.org.vn/news_detail.asp?id=4296

Thứ Ba, 15 tháng 6, 2010

Thông báo lịch nghỉ hè năm học 2009-2010



Nguồn: http://www.truongnoivu.edu.vn/default.aspx?portalid=1&tabid=191&itemid=977

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2010

Festival Huế 2010: Đại tiệc văn hóa bắt đầu!

Đêm 5/6, cả TP.Huế và hơn 15 vạn du khách trong và ngoài nước gần như không ngủ để đón chào “đại tiệc” văn hóa với sự tham gia của 28 nước hội tụ trong đêm khai mạc Festival Huế 2010 và những hoạt động văn hoá trong chương trình Đêm hoàng cung, Đêm Phương đông. Vọng mãi ngàn năm.
Nguồn: "http://vietnamnet.vn/vanhoa/201006/Festival-Hue-2010-Dai-tiec-van-hoa-bat-dau-914396/"