Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Bước đầu khảo sát ý niệm về tình yêu trong ca dao người Việt

Tình yêu là một hiện thực gắn với cuộc sống của mỗi con người. Đây là một mảng nội dung lớn và phong phú trong ca dao. Tuy nhiên, xác định ý niệm (quan niệm) về tình yêu của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ không phải là vấn đề đơn giản.

1. Ý niệm / quan niệm là kết quả của quá trình tri nhận các nhân tố như truyền thống dân tộc, tôn giáo, hệ tư tưởng, kinh nghiệm sống, cảm xúc… và hệ thống lại để tạo ra các biểu tượng tinh thần. Nó là nghĩa trừu tượng mà từ các đơn vị ngôn ngữ khác thể hiện.

Ý niệm về tình yêu trong ca dao, theo khảo sát của chúng tôi, được biểu đạt chủ yếu bằng phương thức ẩn dụ.

Ẩn dụ trong ngôn ngữ học tri nhận là công cụ nhận thức hữu hiệu để con người ý niệm hoá các loại trừu tượng. Ẩn dụ, do vậy không chỉ là một phương thức diễn đạt ý nghĩa bằng ngôn ngữ mà còn là một phương thức để tư duy về sự vật. Nó là hiện tượng ngôn ngữ chính tắc, là quá trình tri nhận phổ biến nhất, nổi trội nhất nhằm liên kết khái niệm với ngôn ngữ mà trong chính tâm trí con người. Ngôn ngữ kí gửi trên ẩn dụ và là hướng tạo sinh của ẩn dụ. Ẩn dụ không chỉ là một phương cách biểu thị các tư tưởng bằng ngôn ngữ mà còn là một phương cách để tư duy về các sự vật. “Chúng tôi nhận thấy rằng ẩn dụ toả khắp đời sống hàng ngày, không chỉ trong ngôn ngữ mà cả trong tư tưởng và hành động. Xét về cách chúng ta suy nghĩ và hành động, hệ thống khái niệm thông thường của chúng ta về bản chất mang tính ẩn dụ” (Lakoff và Johnson, dẫn theo 4, 14).

Do đó, ẩn dụ ý niệm là một sự “chuyển di” (transfer) hay một sự “đồ hoạ” (mapping) cấu trúc và các quan hệ nội tại của một lĩnh vực hay mô hình tri nhận “nguồn” (source) sang một lĩnh vực hay mô hình tri nhận “đích” (target). (7, 30).

2. Dựa trên mối quan hệ giữa ý niệm nguồn và ý niệm đích của ẩn dụ tình yêu trong ca dao, chúng tôi nhận thấy, người Việt ý niệm hoá tình yêu bằng các kiểu ẩn dụ: Tình yêu là một thứ men say, là thực thể gắn kết đôi bên, là những điều kì diệu, là một cuộc hành trình, là các vật thể gần gũi, gắn bó với con người…

2.1. Tình yêu là một công cuộc hành trình

Trong hiện thực khách quan, cuộc hành trình nào cũng có các yếu tố: lữ khách, phương tiện di chuyển, tiến trình, đích đến, những khó khăn, trắc trở trên đường đi… Qua trải nghiệm, người Việt thấy rằng có những nét tương đồng giữa tình yêu và cuộc hành trình và họ đưa những thuộc tính của một cuộc hành trình thực sự để biểu đạt một cuộc tình.

Trước hết, muốn có được tình yêu, đến được với người mình yêu, con người phải có những bước di chuyển gắn với cái khái niệm lênh đênh, gửi, theo, chờ, xuôi, xuống:

Lênh đênh như chiếc thuyền tình

Mười hai bến nước, biết gửi mình vào đâu.

Nguyện cùng thiếp nón chàng tơi

Quyết theo nhau cho trọn, chớ bỏ rơi chặng đường.

Hơn thế, cuộc hành trình của tình yêu là những chuyến đi đầy gian nan, vất vả. Ý niệm này được biểu đạt bằng quá trình chuyển động có đích đến là những thực thể gây trắc trở như gềnh, thác, hoặc các quá trình hành động có đối tượng là sóng, kiếp bềnh bồng:

Sông sâu sóng cả, em ơi!

Chờ cho sóng lặng,

Buồm xuôi, ta xuôi cùng.

Trót đa mag vào kiếp bềnh bồng

Xuống ghềnh, lên thác, một lòng ta thương nhau.

Trong cuộc hành trình đó, bạn đồng hành chính là người yêu, người cùng san sẻ, gánh vác công việc:

Đôi ta lên thác, xuống ghềnh

Em ra đứng mũi cho anh chịu sào.

Và đích của cuộc hành trình đó chính là khi họ được gắn bó và chia sẻ với nhau.

Bây giờ sông lặng, nước trong

Thuyền đà cập bến, mặc dòng nước trôi.

Những cuộc tình bất thành, hoặc dang dở được miêu tả qua những chuyến đi lỡ làng, không phương hướng:

Trầu xanh, cau trắng, chay nồng

Bỏ thuyền vơ vẩn giữa ghềnh bơ vơ.

Trăm năm dốc nguyện đá vàng

Dè đâu gãy gánh giữa đàng khó toan.

2.2. Tình yêu là men say

Men say là một thứ có khả năng kích thích gây cho người ta trạng thái bồi hồi, ngây ngất, nôn nao, hoặc có khả năng cuốn hút người ta đến mức như không còn biết gì, thiết gì khác nữa. Trên cơ sở những nét nghĩa tương đường giữa tình yêu và men say mà người Việt đã dùng các thuộc tính của men say để diễn tả những biểu hiện của tình yêu.

Khi đã đem lòng yêu thì: “Nước sông Lường ai lắng mà trong / Duyên chàng ai tạc cho lòng em say”, hoặc “Răng đen ai nhuộm cho mình / Cho răng mình đẹp, cho tình anh say”.

Men say gắn với các nét nghĩa khác nhau. Trước hết là ngẩn ngơ:

- Từ ngày anh gặp mặt nàng

Lòng càng ngao ngán, dạ càng ngẩn ngơ.

- Con tằm bối rối vì tơ

Anh say sưa vì rượu, em ngẩn ngơ vì tình.

Men say gắn với các tình trạng tinh thần như nôn nao, bồn chồn:

Nhớ ai em những khóc thầm

Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa

Nhớ ai ngơ ngẩn, ngẩn ngơ

Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?

Ở mức độ cao, men say gắn với mê:

Yêu nhau quá đỗi nên mê

Tỉnh ra mới biết kẻ chê, người cười.

Mê, say trong tình yêu được gắn với các trạng thái bồn chồn, ngẩn ngơ, đồng thời cũng gắn với sức hấp dẫn cuốn hút của chính bản thân nó:

Vị gì một mảnh tình con

Làm mê tài tử, rút khôn anh hùng

Thà rằng chẳng biết cho xong

Biết ra thêm để tấm lòng sầu riêng.

2.3. Tình yêu gắn với quên

Tình yêu là một khái niệm trừu tượng. Một nhà thơ đã viết: “Đố ai định nghĩa được tình yêu / Có khí gì đâu một buổi chiều… …”. Người này nhớ người kia; họ nhớ nhau, “Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?”. Yêu thì nhờ là đương nhiên, nhưng trong yêu, nhớ gắn với quên. Khi yêu con người lại quên đi nhiều thứ khác, tức “không nghĩ đến, không để tâm đến (điều thường hoặc lẽ ra không thể như vậy)” (Từ điển tiếng Việt, tr. 810). Ý niệm về tình yêu trong ca dao gắn với tình trạng “lẽ ra không thể như vậy” trong nhận thức con người. Trong chừng mực nào đó, đây là tình trạng của mê, của say như đã nêu ở trên:

Từ ngày ăn phải miếng trầu

Miệng ăn, môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu

Biết rằng thuốc dấu hay là bùa yêu

Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa

Làm cho quên mẹ, quên cha, quên cửa, quên nhà

Làm cho quên cả đường ra, lối vào

Làm cho quên cá dưới ao

Quên sông tắm mát, quên sao trên trời.

Hơn nữa, quên còn gắn với các tình trạng tinh thần không tỉnh táo:

Em thương anh, hái dâu quên giỏ

Cắt cỏ quên liềm

Xuống sông gánh nước, hũ chìm, gióng trôi.

Yêu là một cuộc hành trình gắn với men say; yêu là nhớ người kia, là quên đi những điều khác. Những nhận xét trên hoàn toàn đúng với định nghĩa của Xuân Diệu về yêu: “Yêu là chết trong lòng một ít”.

2.4. Tình yêu là một thực thể có khả năng gắn kết

Gắn kết là làm cho các thực thể tách biệt trở thành một khối, một thực thể mới. Thực thể này tích hợp các đặc trưng của các cá thể thành phần, tức thực thể này có nhiều đặc tính trội hơn các thực thể tách biệt. Bằng những trải nghiệm của mình, người Việt coi tình yêu như các thực thể có khả năng gắn kết. Thực thể đó có thể là những vật, mà trong tiềm thức con người, hoặc có khả năng kết dính (keo, sơn…), hoặc thường tồn tại có nhau (trúc – mai, bát – đũa, thuyền - bến, rồng – mây, cá - nước…), có thể là sợi dây ràng buộc những người yêu nhau lại với nhau (chỉ điều, tơ tằm, chỉ hồng…). Chúng có thể là thực thể hữu hình và cũng có thể là thực thể vô hình:

Chỉ điều ai khéo vấn vương

Mỗi người một xứ mà thương nhau đời

Chữ tình ai bứt cho rời

To hồng đã định, đổi dời đặng đâu.

Vì vậy, gặp được người mình thương người ta coi là đã mắc vào sợi tơ tình:

Ấy ai giắt mối tơ mành

Cho thuyền quen bến, cho anh quen nàng

Tơ tằm đã vấn thì vương

Đã trót dan díu thì thương nhau cùng.

Sự gắn kết, ràng buộc trong yêu thương, trong duyên nợ làm cho hai bên nam nữ trở thành một thể thống nhất:

Phải duyên thì bám như keo

Trái duyên trái kiếp như kèo đục vênh

Hai ta tốt lứa đẹp đôi

Rồng mây cá nước duyên trời đã xe.

Và chính thể thống nhất đó làm cho thuyền - bến, rồng – mây, cá - nước, tơ - tằm, bát – đũa, trầu xanh – cau trắng – chay nồng… những thực thể đơn lẻ gắn kết với nhau, tương tác lẫn nhau và tạo cho nhau có tiềm năng lớn hơn trong tồn tại và phát triển.

2.5. Tình yêu gắn với các vật thể tinh khiết, có sức sống, quý giá và cao sang

Yêu nhau con người có được sức sống dạt dào, có được cuộc đời thanh cao: “Tình anh như nước dâng cao / Tình em như dải lụa đào tẩm hương”, “Hai ta tốt lứa đẹp đôi / Rồng mây cá nước duyên trời đã xe”… Tình yêu trong ca dao người Việt gắn với trăng, sao, chỉ hồng, lụa đào, rồng, phượng… những thực thể sang trọng và đẹp đẽ, gắn với những lửa, đèn… thể hiện sự bắt đầu của rạng rỡ.

Đôi ta như lửa mới nhen

Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu.

Ý niệm về tình yêu trong ca dao, từ bình diện ngôn ngữ, được thể hiện nhiều nhất qua cấu trúc so sánh ẩn dụ A như B. Với cấu trúc này, tình yêu của người Việt được thể hiện phong phú và đa dạng. Nó gắn với các nét nghĩa của sức mạnh:

Ân tình này đã hết trông

Ngãi nhân như nước tràn đồng khó ngăn.

Ý niệm đó gắn với sự tươi đẹp, sự khát khao hợp nhất:

Em như hoa nở trên cành

Anh như con bướm lượn vành khát khao.

Đôi ta như thể con ong

Con quấn, con quýt, con trong, con ngoài…

2.6. Tình yêu dở dang gắn với đắng cay, gian khổ

Tình yêu, lí giải theo hiện đại, là “chết trong lòng một ít / Bởi…” thì con người trong ca dao miêu tả đơn giản nhưng cay đắng và khổ ải hơn nhiều. Ai đã một lần trải nghiệm cảnh đứt gióng, gãy đòn trong vận chuyển thô sơ, mới thấy ý niệm giở dang, khổ sở trong tình yêu dang dở được miêu tả đến tài tình:

Trăm năm dốc nguyện đá vàng

Dè đâu gãy gánh giữa đàng khó toan.

Ý niệm đó nhiều khi được phản ánh hình ảnh hơn gắn với khứu giác và thị giác của họ:

Hai ta đang nhớ đang thương

Ai về phân quế, rẽ hương cho đành.

Tuy nhiên, số liệu thống kê chỉ ra rằng ý niệm về tình yêu nói chung, tình yêu dang dở nói riêng của người Việt nam trong ca dao gắn nhiều với quá trình tri nhận khách quan nhờ thị giác:

Hai ta đang nối dây dài

Ai cầm dao sắc cắt hai dây lìa.

Trăm năm đành lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ, con đò khác đưa.

3. Tình yêu đa dạng và phong phú. Nó được biểu đạt bằng các hình tượng khác nhau trong ca dao Việt Nam. Đó là con thuyền - bến nước, cây đa – sân đình, là cây quỳnh – cành dao, trời – mây, trăng, sao - bầu trời, bướm – hoa… Tất cả những thực thể đó phản ánh cuộc sống gắn với tự nhiên, gắn với cuộc sống đơn sơ, mộc mạc của cộng đồng sáng tạo, sử dụng và lưu truyền ca dao. Tình yêu nam nữ trong ca dao người Việt được thể hiện qua các thực thể biểu trưng cho sự tươi sáng của tương lai, cho sự gắn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Mặt khác, người Việt trong ca dao cũng nhìn nhận tình yêu là một cuộc hành trình có bờ có bến, đầy thơ mộng. Nó là sự sẻ chia nhưng cũng có thể là gian nan, vất vả. Tất cả những nét nghĩa đó được con người đúc kết lại nhờ tri nhận thực tế khách quan gắn với cuộc sống.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Văn Cơ (2006), Ngôn ngữ học tri nhận là gì? Ngôn ngữ, số 7.

2. Hữu Đạt (2007), Thử áp dụng ngôn ngữ học tri nhận vào phân tích nhóm từ đồng nghĩa chỉ vận động “rời chỗ” trong tiếng việt, Ngôn ngữ, Số 11, tr: 20 – 27.

3. Phan Thế Hưng (2007), So sánh trong ẩn dụ, Ngôn ngữ, số 4, tr: 1 – 12.

4. Phan Thế Hưng (2007), Ẩn dụ ý niệm, Ngôn ngữ, số 7, tr: 9 – 18.

5. Hoàng Phê (Chủ biên), (1998), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, Nxb Đà Nẵng.

6. Trường Phúc (2007), Bước đầu khảo sát ẩn dụ tình cảm trong thành ngữ tiếng Hán và tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 1, tr: 52 – 60.

7. Lý Toàn Thắng (2005), Ngôn ngữ học tri nhận - Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

8. Lê Quang Thiêm (2006), Về khuynh hướng ngữ nghĩa học tri nhận, Ngôn ngữ, số 11, tr: 6 – 19.

9. Nguyễn Đức Tồn (2007), Bản chất của ẩn dụ, Ngôn ngữ, số 10, tr: 1 – 9.

10. Nguyễn Đức Tồn (2007), Bản chất của ẩn dụ (Tiếp theo và hết), Ngôn ngữ, số 11, tr: 1 – 9.

10. Lê Đình Tường (2008), Thử phân tích một bài ca dao hài hước từ bình diện ngôn ngữ học tri nhận, Ngôn ngữ, số 9, tr: 51 – 56.
Nguồn: http://www.vusta.vn/Temps/Home/template2/?nid=88BA